Quản lý là một chức năng bắt nguồn từ tính xã hội của lao động trong điều kiện phát triển kinh tế quản lý được xem là thước đo của hầu hết các hoạt động xã hội. Từ khái niệm về quản lý chúng ta có thể hiểu, quản lý nhà nước là hoạt động chấp hành và điều hành của các cơ quan hành chính nhà nước được tiến hành trên cơ sở pháp luật và để thi hành pháp luật. Trong giai đoạn hiện nay, mặc dù các quốc gia trên thế giới có nhiều chế độ chính trị khác nhau, nhưng đều có điểm chung là ngày càng coi trọng vai trò quản lý, điều tiết của Nhà nước. Như vậy, vai trò quản lý kinh tế Nhà nước, trong đó có quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp ngày càng được tăng thêm.
Quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp là một bộ phận, đồng thời là nội dung cơ bản của quản lý nhà nước về kinh tế, nên Nhà nước có chức năng và nhiệm vụ quản lý đối với tất cả các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, nhưng không được can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế nói chung, doanh nghiệp FDI nói riêng hoàn toàn có quyền tự chủ khi tiến hành hoạt động kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm. Doanh nghiệp FDI cũng như các đơn vị kinh doanh khác, ngoài sự chi phối của thị trường, còn chịu sự điều chỉnh bởi hệ thống pháp luật và quản lý vĩ mô của Nhà nước kể từ khi thành lập cho đến khi giải thể. Quan hệ giữa Nhà nước với doanh nghiệp FDI trong nền kinh tế thị trường chủ yếu là quan hệ quản lý bằng pháp luật, cơ chế chính sách, kế hoạch, định hướng, hỗ trợ, điều chỉnh và khống chế trong phạm vi cần thiết để đảm bảo lợi ích chung của quốc gia.
Như vậy, Nhà nước với doanh nghiệp FDI có mối quan hệ qua lại với nhau và tác động lẫn nhau, bởi vì: Về phía Nhà nước, việc thiết lập quản lý đối với các doanh nghiệp FDI là cần thiết vì quan hệ giữa từng doanh nghiệp với nền kinh tế nói chung là quan hệ giữa bộ phận và tổng thể, nhiều khi quyền lợi giữa bộ phận và tổng thể là không thống nhất, thậm chí còn mâu thuẫn nhau. Vai trò của quản lý nhà nước là để cho lợi ích của từng doanh nghiệp FDI không lấn át nhau, không làm tổn hại tới lợi ích các quốc gia và của doanh nghiệp khác. Về phía các doanh nghiệp FDI, cũng cần có sự quản lý của Nhà nước, vì đó chính là chỗ dựa về mặt pháp lý để doanh nghiệp hoạt động. Nhà nước không những đóng vai trò trong việc tạo lập môi trường kinh doanh, mà còn hỗ trợ, khuyến khích thúc đẩy doanh nghiệp FDI phát triển.
Phần lớn hoạt động này thực hiện thông qua sự điều tiết, quản lý của Nhà nước. Mặt khác, trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp FDI, mỗi bước đi từ khi khởi đầu đến kết thúc đều phải gắn liền vào quá trình quản lý liên tục cả dưới góc độ vĩ mô và vi mô. Doanh nghiệp FDI có thành công hay không, hoạt động có theo chiến lược phát triển chung của xã hội hay không, không những phụ thuộc vào quản lý kinh tế vi mô của bản thân doanh nghiệp, mà còn phụ thuộc rất nhiều vào quản lý kinh tế vĩ mô của Nhà nước. Với những trình bày ở trên cho thấy, Nhà nước với các doanh nghiệp FDI có mối quan hệ qua lại chặt chẽ với nhau. Nhà nước có ảnh hưởng quyết định tới cách thức hoạt động của doanh nghiệp FDI; ngược lại, sự phát triển và lớn mạnh của các doanh nghiệp FDI ảnh hưởng tới sức mạnh của Nhà nước và tác động đến kinh tế – xã hội của đất nước.
Nhà nước có nhiệm vụ hướng các doanh nghiệp FDI sản xuất kinh doanh theo định hướng mà nhà nước đã chọn, đảm bảo quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, trên cơ sở pháp luật cho phép. Nhà nước với tư cách là chủ thể quản lý có những tác động đến hoạt động của doanh nghiệp, có thể khuyến khích giúp đỡ doanh nghiệp nếu đem lại hiệu quả kinh tế – xã hội; hoặc có thể ngăn cản, hạn chế nếu hoạt động của doanh nghiệp FDI không theo định hướng hay làm tổn hại đến lợi ích quốc gia.
Trong hoạt động quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp FDI, yếu tố quan trọng có nghĩa quyết định đến mức độ thành công của quản lý là xác định rõ mục tiêu quản lý, từ đó làm rõ nội dung quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp FDI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét